Trong phân tích kỹ thuật, sự chuyển đổi giữa các xu hướng tăng và giảm thường được báo hiệu bởi các mô hình giá . Theo định nghĩa, mẫu hình giá là một cấu hình dễ nhận biết của chuyển động giá được xác định bằng cách sử dụng một loạt các đường xu hướng và / hoặc đường cong.
Các nhà phân tích kỹ thuật từ lâu đã sử dụng các mô hình giá để xem xét các chuyển động hiện tại và dự báo các chuyển động thị trường trong tương lai.
Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu tổng quan về mô hình giá trước khi đi sâu vào phân tích chiến lược giao dịch với từng mô hình nhé!

Mô hình giá là gì?
Mô hình giá là một tập hợp tất cả các mức giá trong một khoảng thời gian cụ thể. Thông qua mô hình giá, trader có thể dự đoán được động thái tiếp theo của thị trường rồi đưa ra quyết định mua/bán/giao dịch hợp lý.
Trường phái phân tích kỹ thuật có một quan niệm cho rằng, hành động giá có thể lặp lại trong tương lai. Điều này đã được theo dõi và quan sát trong một thời gian dài và đúc kết thành rất nhiều mô hình giá có tính ứng dụng cao.
Các mô hình giá thể hiện bức tranh tổng quát về cung – cầu trên thị trường tiền tệ. Ngoài ra, nếu bạn có kinh nghiệm sẽ có thể nhìn nhận được tâm lý giao dịch từ mô hình giá.
Phân tích mô hình giá không chỉ giúp nhà giao dịch có chiến lược giao dịch trong ngắn hạn mà còn có tác dụng trong dài hạn.
Lịch sử hình thành và phát triển của mô hình giá
Lần đầu tiên có sự xuất hiện của mô hình giá là khi chuyên gia phân tích kỹ thuật John Magee viết nó trong quyển “Technical Analysis Of Stock Trends” vào năm 1948.
Ông là một trong những người đầu tiên giới thiệu về cách giao dịch dựa trên mô hình giá đối với thị trường cổ phiếu. Magee đã sử dụng mô hình giá cho bất cứ sản phẩm nào được thể hiện trên biểu đồ như cổ phiếu, chỉ số trung bình, khối lượng giao dịch,…
Một số mô hình giá sơ khai nhất có thể kể đến như mô hình Tam giác, Mô hình cờ đuôi nheo, mô hình giá đầu và vai,…
Mô hình nến và mô hình giá giống hay khác nhau?
Khi tìm hiểu quá nhiều về thị trường, một số nhà giao dịch có thể sẽ bị nhầm lẫn giữa mô hình nến và mô hình giá. Hai mô hình trên khác nhau ở một số điểm cơ bản như sau:
- Nguồn gốc ra đời: Trong khi mô hình nến được một thương gia người Nhật phát triển, mô hình giá có nguồn gốc từ phương Tây.
- Khoảng thời gian hình thành: Mô hình nến chỉ được tạo thành trong một phiên giao dịch nhất định. Trong khi mô hình giá được hình thành trong nhiều phiên giao dịch hơn.
- Điểm mấu chốt trong phân tích: mô hình nến dựa vào giá đóng cửa, mở cửa, giá cao nhất, thấp nhất. Còn đối với mô hình giá, chú trọng đến sự chuyển động trong một thời gian dài hơn.
- Các tín hiệu giao dịch: Mô hình nến cung cấp các tín hiệu vào lệnh, chốt lời,… ngắn hạn hơn so với mô hình giá.
Phân loại mô hình giá
Có rất nhiều loại mô hình giá. Tuy nhiên, các mô hình giá được phân làm 2 nhóm chính dựa trên tín hiệu mà nó cung cấp: Mô hình giá tiếp diễn và mô hình giá đảo chiều.
Mô hình giá tiếp diễn

Mô hình giá tiếp diễn là mô hình giá cho tín hiệu tiếp diễn một xu hướng đã có trước đó. Mô hình giá tiếp diễn có thể sẽ có một khoảng thời gian giá đi ngược với xu hướng, nhưng điều này chỉ xảy ra trong ngắn hạn. Giá sẽ nhanh chóng bức phá và quay lại xu hướng ban đầu.
Một số mô hình giá tiếp diễn phổ biến có thể kể đến như sau:
- Mô hình giá cờ đuôi nheo (Pennant) tăng/giảm
- Mô hình giá tam giác (Triangle) tăng/giảm
- Mô hình lá cờ (Flag) tăng/giảm
- Mô hình giá chữ nhật (Retangle) tăng/giảm
- …
Mô hình giá đảo chiều

Mô hình giá đảo chiều là mô hình giá cung cấp tín hiệu đảo chiều. Mô hình này thể hiện xu hướng đang có sự thay đổi từ tăng sang giảm hoặc từ giảm sang tăng. Mô hình giá đảo chiều là một tín hiệu tốt và dễ dàng nhận biết trên biểu đồ.
Một số mô hình giá đảo chiều cơ bản có thể kể đến như sau:
- Mô hình giá hai đỉnh, hai đáy
- Mô hình giá đầu và vai
- Mô hình giá đầu và vai ngược
- Mô hình cái nêm (Wedge) tăng/giảm
- …
Lưu ý khi giao dịch với mô hình giá
Có một số lưu ý khi giao dịch với mô hình giá như sau:
- Trước khi sử dụng mô hình giá, bạn cần biết được xu hướng đang diễn ra trên thị trường. Các mô hình giá đều dự đoán xu hướng là tiếp diễn hay đảo ngược, vì vậy nếu bạn xác định sai xu hướng, hoặc thị trường có xu hướng không rõ ràng, bạn sẽ rất khó có thể áp dụng các mô hình này.
- Mô hình được hình thành ở khung thời gian càng lớn thì càng có độ chính xác cao
- Đối với các mô hình nến đảo chiều, có hai dạng mô hình chính là mô hình hình thành từ đáy và mô hình hình thành từ đỉnh. Trong đó, các mô hình hình thành từ đáy cần nhiều thời gian hơn so với mô hình còn lại.
Tổng kết về mô hình giá
Các mô hình giá là các hình dạng đặc biệt được tạo ra bởi sự chuyển động của giá thị trường trên biểu đồ và là nền tảng của phân tích kỹ thuật.
Mô hình được xác định bằng một đường nối các điểm giá chung, chẳng hạn như giá đóng cửa hoặc mức cao hoặc mức thấp, trong một khoảng thời gian cụ thể.
Các nhà phân tích kỹ thuật và các nhà phân tích biểu đồ tìm cách xác định các mẫu hình như một cách để dự đoán hướng tương lai của giá chứng khoán, cổ phiếu, Forex,…
Những mô hình này có thể đơn giản như đường xu hướng và phức tạp như hình dạng đầu và vai kép.
Vậy là chúng ta đã tìm hiểu tổng quan về mô hình giá là gì. Hy vọng bài viết này sẽ làm tiền đề cho các bạn phân tích sâu hơn về từng chiến lược giao dịch cụ thể với từng loại mô hình giá. Chúc các bạn giao dịch thuận lợi!